Nắng nóng làm tăng nguy cơ xuất hiện hoặc tăng nặng các bệnh lý liên quan, trong đó có đột quỵ. Theo ghi nhận từ các cơ sở y tế, vào mùa hè số ca cấp cứu do các bệnh lý khác nhau, bao gồm cả sốc nhiệt hay đột quỵ, tăng cao so với các thời điểm khác. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến đột quỵ ngày nắng nóng và các biện pháp phòng ngừa, sơ cấp cứu như thế nào?
*Cố vấn chuyên môn: ThS.BS. Đỗ Đình Lượng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu
Đột quỵ do nắng nóng là gì
Đột quỵ do nắng nóng là tình trạng đột quỵ xảy ra do nắng nóng thúc đẩy các yếu tố nguy cơ có thể dẫn đến đột quỵ. Theo đó, nắng nóng có thể không phải là nguyên nhân trực tiếp gây đột quỵ, nhưng nó gián tiếp đưa đến hậu quả thông qua các vấn đề, bệnh lý khác.
Nắng nóng gây đột quỵ hoặc sốc nhiệt, hai tình trạng này có các dấu hiệu tương tự nhau. Nhiều người có thể nhầm lẫn, chủ quan khi bị đột quỵ và bỏ qua thời gian “vàng” cấp cứu đột quỵ (3 – 4,5 giờ đầu, có thể mở rộng lên 24 giờ hoặc hơn tùy trường hợp, thể loại đột quỵ và phương pháp kỹ thuật cấp cứu).
Nguyên nhân gây đột quỵ ngày nắng nóng
Nghiên cứu chỉ ra rằng, nguy cơ đột quỵ và yếu tố nhiệt độ có mối liên hệ với nhau. Trong đó, nhiệt độ môi trường tăng cao là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nguy cơ đột quỵ có thể tăng thêm 10% ở một số đối tượng khi nền nhiệt độ môi trường tăng thêm 1 độ C.
Nắng nóng khiến thân nhiệt tăng, cơ thể bài tiết nhiều mồ hôi từ đó gây mất nước. Nếu không bổ sung nước kịp thời, cơ thể sẽ bị mất nước, làm máu cô đặc hơn, tăng độ nhớt của máu, làm suy giảm khả năng lưu thông máu, tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng động mạch. Từ đó, tăng nguy cơ đột quỵ.
Thân nhiệt bị tăng cao quá mức do nắng nóng cũng có thể gây rối loạn chức năng điều phối của hệ thần kinh trung ương. Điều này làm rối loạn hệ tuần hoàn máu và hô hấp, có thể gây thiếu hụt lưu lượng máu lên não.
Ngoài ra, đột quỵ do nắng nóng có thể còn do thời tiết nóng bức kéo dài gây rối loạn quá trình hoạt động của hệ tim mạch, khiến tim hoạt động kém hơn. Lúc này, hiệu suất bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể trong đó có não bị suy giảm. Người đang ở ngoài trời nắng nóng đi vào phòng lạnh đột ngột cũng nguy cơ đột quỵ, vì mạch máu bị co lại đột ngột, tăng huyết áp.
Một số yếu tố nguy cơ gây đột quỵ khi nắng nóng hay trời nắng nóng dễ đột quỵ khác bao gồm:
Tuổi tác: Người cao tuổi và trẻ em là đối tượng có nguy cơ bị đột quỵ khi nắng nóng kéo dài. Bởi vì, khả năng thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ đột ngột ở hai đối tượng này kém hơn.
Môi trường: Thường xuyên làm việc, tập luyện, sinh hoạt… trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với nắng nóng, thời tiết khắc nghiệt khiến cơ thể dễ bị kiệt sức, làm tăng nặng bệnh tim mạch, huyết áp có sẵn dẫn đến nguy cơ đột quỵ não.
Mắc bệnh lý mạn tính: Người mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim, rung nhĩ, tiểu đường, tăng huyết áp, béo phì, bệnh phổi… có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng cao hơn người khác.
Thuốc điều trị: Người bệnh đang dùng các loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc chống trầm cảm ba vòng, điện giải… dễ bị mất nước khi thời tiết nắng nóng. Kéo theo là gia tăng nguy cơ đột quỵ do cơ thể mất nước và không bổ sung kịp thời.
Dấu hiệu đột quỵ do trời nắng nóng
Đột quỵ do nắng nóng thúc đẩy các yếu tố nguy cơ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng hoặc khiến người bệnh phải chịu nhiều di chứng nặng nề như: mất khả năng ngôn ngữ, yếu liệt, tàn phế suốt đời… Do đó, việc nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ do trời nắng nóng hay do các nguyên nhân khác nói chung rất quan trọng, quyết định khả năng bảo toàn tính mạng của người bệnh.
Dưới đây là các dấu hiệu nhận biết một người có thể đang bị đột quỵ do nắng nóng: đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, thân nhiệt cao nhưng không đổ mồ hôi, tê yếu người, yếu liệt 1 bên hoặc toàn thân, méo mặt, động kinh, tim đập nhanh, thở nông, rối loạn tâm thần, mất phương hướng, ngất xỉu… Sau đó có thể xuất hiện tình trạng trụy mạch, hôn mê. Nếu không nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời, người bị đột quỵ do nắng nóng có thể đối mặt nguy cơ nguy hiểm tính mạng.
Phân biệt đột quỵ do nắng nóng và kiệt sức do nắng nóng
Kiệt sức và đột quỵ do nắng nóng có thể có các dấu hiệu tương tự nhau và dễ gây nhầm lẫn. Cách tốt nhất là khi có bất thường xảy ra do nắng nóng, mọi người bên chủ động đến bệnh viện thăm khám sớm.
Để phân biệt giữa kiệt sức và đột quỵ do nắng nóng, chúng ta có thể quan tâm đến một số dấu hiệu như vấn đề bài tiết mồ hôi trên cơ thể người bệnh. Cụ thể, đột quỵ do nắng nóng gây tổn thương hệ thống điều hòa thân nhiệt, làm cơ thể ngưng bài tiết mồ hôi dẫn đến hiện tượng khô và nóng da. Trong khi đó, khi kiệt sức do nắng nóng người bệnh thường sẽ bài tiết lượng lớn mồ hôi trên da, khiến cơ thể ẩm ướt.
Cách xử trí khi bị đột quỵ do nắng nóng
Người bị đột quỵ do nắng nóng cần được cứu chữa khẩn cấp để hạn chế nguy cơ biến chứng nặng, hôn mê sâu, suy đa tạng, tổn thương não, thậm chí tử vong. Cách xử lý cứu người bị đột quỵ do nắng nóng bao gồm:
Sơ cấp cứu:
- Đầu tiên, bạn cần nhanh chóng di chuyển người bệnh vào nơi thoáng mát.
- Nới rộng hoặc cởi bỏ quần áo đồng thời lau mát cơ thể người bệnh.
- Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
- Lưu ý, trong quá trình sơ cấp cứu không tự ý cho người bệnh ăn uống hay dùng bất cứ thuốc gì. Bởi vì có thể khiến người bệnh bị sặc vào phổi đe dọa đến tính mạng.
- Trong trường hợp người bị sốc nhiệt hay đột quỵ do nắng nóng đã ngừng tim (không thấy mạch đập) thì cần nhanh chóng hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt và ép tim lồng ngực.
Hướng dẫn hà hơi thổi ngạt đúng cách:
Đặt người bệnh nằm ưỡn cổ và nghiêng sang 1 bên.
Dùng khăn vải hoặc băng gạc để lấy sạch nước dãi, đờm và đặt khăn mùi xoa quanh miệng người bệnh.
Dùng ngón tay trỏ và ngón cái bịt mũi người bệnh và thổi hơi trực tiếp vào miệng người bệnh.
Hướng dẫn ép tim ngoài lồng ngực đúng cách:
Đặt chồng hai tay lên nhau và đặt lên vị trí lồng ngực (ngay bên ngoài tim) của người bệnh, hướng tay vuông một góc 90 độ với ngực.
Dùng lực để ép tim lồng ngực 100 lần/phút.
Trường hợp chỉ có 1 người sơ cứu thì xen kẽ 2 – 3 lần thổi ngạt với 10 – 15 nhịp ép tim ngoài lồng ngực.
Nếu có 2 người cấp cứu thì mỗi người đảm nhiệm 1 vai trò thổi ngạt hoặc ép tim và kiên trì thực hiện sơ cứu đến khi tim đập lại, người bệnh hồi phục hơi thở.
Cách phòng tránh đột quỵ do trời nắng nóng
Tất cả mọi người trong chúng ta đều có nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng, thế nhưng nguy cơ này có thể gia tăng ở những người mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch, rung nhĩ, béo phì… Để hạn chế tối đa nguy cơ bị đột quỵ não khi trời nắng nóng kéo dài, mọi người nên chủ động có biện pháp phòng ngừa. Dưới đây là một số cách phòng tránh nắng nóng đột quỵ hiệu quả:
Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ
Khám sức khỏe tổng quát cũng như tầm soát đột quỵ định kỳ là điều cần thiết giúp phát hiện sớm các yếu tố nguy cơ đột quỵ, từ đó có biện pháp phòng tránh hữu hiệu. Mục tiêu của việc tầm soát đột quỵ là dựa vào công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại để phát hiện sớm các yếu tố tiềm ẩn đột quỵ như hẹp, tắc nghẽn mạch máu, phình, vỡ hay dị dạng mạch máu não và những bệnh lý nền khác có liên quan.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc sử dụng các kỹ thuật, máy móc hiện đại chuyên sâu giúp tầm soát đột quỵ hiệu quả như: hệ thống máy CLVT, hệ thống máy chụp MRI, hệ thống máy chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA… thế hệ mới giúp khảo sát toàn bộ chức năng, cấu trúc, mạch máu và nhu mô não. Bác sĩ có thể phát hiện được những bất thường rất nhỏ tiềm ẩn nguy cơ gây đột quỵ não ngay cả khi chưa hoặc không xuất hiện triệu chứng.
Chế độ dinh dưỡng khoa học
Uống đủ nước: Cơ thể cần được cung cấp từ 2 lít nước mỗi ngày để hạn chế tình trạng mất nước, từ đó làm giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông. Lưu ý rằng, nên dàn trải lượng nước uống trong 1 ngày và không nên uống quá nhiều nước trong thời gian ngắn.
Ăn uống đa dạng, đầy đủ dưỡng chất: Ưu tiên bổ sung các loại rau củ quả, thực phẩm giàu chất béo tốt. Một số thực phẩm giàu chất béo tốt điển hình như quả bơ, các loại hạt, cá béo, quả oliu… có tác động làm giảm cholesterol giúp hạn chế nguy cơ xơ vữa động mạch, tăng cường sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ tăng huyết áp. Từ đó góp phần giảm nguy cơ bị đột quỵ do nắng nóng.
Trong thời tiết oi bức nên ưu tiên dùng thực phẩm giải nhiệt, uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng… để phòng tránh nguy cơ đột quỵ do nắng nóng
Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng gắt
Hạn chế để cơ thể tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời điểm từ 10 giờ đến 16 giờ giúp giảm nguy cơ bị sốc nhiệt và đột quỵ do nắng nóng. Nếu buộc phải ra hoạt động ngoài trời trong khoảng thời gian này, bạn nên mặc quần áo chống nắng, đội mũ rộng vành. Đặc biệt, đối tượng có sức khỏe kém, người từng bị đột quỵ hoặc đang mắc các bệnh lý tiềm ẩn đột quỵ (bệnh tim, tiểu đường, tăng huyết áp…) cần được ưu tiên làm việc và sinh hoạt trong môi trường râm mát, tránh ánh nắng gay gắt.
Nên tránh từ ngoài nắng đi vào phòng lạnh đột ngột vì có thể khiến mạch máu co lại đột ngột, tăng huyết áp, tăng nguy cơ đột quỵ. Nên dùng điều hòa ở nhiệt độ an toàn từ 26 đến 28 độ C.
Rèn luyện thể chất
Mỗi người cần tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức đề kháng, từ đó góp phần bảo vệ cơ thể khỏi nguy cơ bệnh tật trong đó có đột quỵ do nắng nóng. Trong thời gian nắng nóng, cần ưu tiên các bộ môn tập luyện trong nhà như aerobic, chạy bộ trên máy, yoga, nhảy dây… và hạn chế các loại hình vận động ngoài trời như chạy bộ, chạy xe đạp, chơi đá bóng, bóng chuyền…